Về kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam

Lời chào của Trưởng ban tổ chức của phía Nhật Bản

  • YAMADA Takio

    YAMADA Takio

    Trưởng ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam của phía Nhật Bản
    (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam)

    Hiện tại, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam được cho là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước liên tục diễn ra, nguyên thủ quốc gia hai nước cũng tạo dựng được mối quan hệ tin tưởng đặc biệt. Giữa bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, Nhật Bản và Việt Nam vẫn coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng và tiếp tục xây dựng mối quan hệ hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực hơn trước.

    Trong bối cảnh đó, tôi rất vui khi được đón Hoàng thái tử Akishino và Công nương đến thăm Việt Nam, cùng các quý vị đã góp phần vun đắp cho mối quan hệ Nhật – Việt chúc mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.

    Tôi hy vọng rằng khi nhìn lại kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam này thì các thế hệ tương lai sẽ đánh giá năm kỷ niệm này đã kiến tạo nền tảng cho quan hệ Nhật - Việt ẩn chứa tiềm năng vô hạn phát triển vượt bậc hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng.

    Nhật Bản luôn mong muốn thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực cùng với Việt Nam, một đối tác quan trọng của Nhật Bản trong việc hiện thực hóa sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

    Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam tiếp tục đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 8%, đứng đầu các nước ASEAN. Kết quả khảo sát gần đây do JETRO thực hiện cho thấy Việt Nam là quốc gia được ưa thích thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam và triển khai các dự án mới, từ đó tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực hơn nữa trong nền kinh tế của cả hai nước. Trong năm kỷ niệm 50 năm này, ngoài đầu tư và thương mại, Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, ODA, chuyển đổi số (DX), chuyển đổi xanh (GX), hiện đại hóa/công nghiệp hóa, phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo đà thúc đẩy mối quan hệ hai nước.

    Ngoài ra, hoạt động giao lưu giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực cũng rất sôi động. Ngày nay, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản với khoảng 500.000 người đã phát triển lên thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản và trở thành một yếu tố không thể thiếu được đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản.

    Tôi cho rằng quan hệ hai nước đang ngày càng khăng khít và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển đó không chỉ diễn ra trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, mà còn nằm ở sự thấu hiểu và đồng cảm của người dân, bắt nguồn từ mối liên kết lâu dài về mặt lịch sử và văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam.

    Có một giai thoại kể rằng vào thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết xuất thân từ Lâm Ấp (nay là miền Trung Việt Nam) đã biểu diễn “nhạc Lâm Ấp”, một loại hình nhã nhạc, tại lễ Khai nhãn tượng Đại Phật tại chùa Todaiji. Bên cạnh đó, còn có câu chuyện tình yêu giữa thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki và công nữ Ngọc Hoa triều Nguyễn vào thời kỳ giao thương Châu Ấn thuyền từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17. Đây là minh chứng cho mối liên kết lịch sử lâu đời từ thời xa xưa của Nhật Bản và Việt Nam.

    Năm nay là năm kỷ niệm 50 năm, tôi mong nhiều người sẽ nhận ra và tái khẳng định nét tương đồng về văn hóa và lịch sử giao lưu lâu đời vốn là nền tảng phát triển mối quan hệ Nhật – Việt, cũng như sự thấu hiểu và đồng cảm giữa hai quốc gia. Đồng thời, tôi cũng muốn họ cảm nhận được khả năng to lớn tiềm ẩn trong tương lai hai nước. Tôi tin tưởng rằng chính sự thấu hiểu và đồng cảm này sẽ là động lực giúp quan hệ Nhật Bản – Việt Nam với tiềm năng vô hạn ngày càng bền vững hơn.

    Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để củng cố quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong 50 năm tiếp theo.

Về kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam

Ngày 21 tháng 9 năm 1973, Nhật Bản và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, từ cấp lãnh đạo quốc gia tới cấp cơ sở.

Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ được cho là có “tiềm năng vô hạn” của hai nước đang tiến tới thời kỳ đánh dấu bước phát triển vượt bậc. Chúng tôi hy vọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là dịp để nhìn lại quan hệ Nhật Bản – Việt Nam từ trước đến nay, và kiến tạo nền tảng cho mối quan hệ ấy phát triển vượt bậc hơn nữa hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau.

Nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản – Việt Nam là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người. Ngoài ra, mối quan hệ này cũng được củng cố bởi hoạt động của tất cả những người đã đóng góp trong các lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi hy vọng có thể cùng tất cả quý vị tạo nên các chương trình tương xứng với kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam trong năm 2023.

Nhằm cụ thể hóa hơn nữa các chương trình kỷ niệm 50 năm, Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, các cơ quan chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại các tỉnh thành (JCCI, JCCH, JCCID) đã cùng nhau thành lập Ban tổ chức của phía Nhật Bản.

Với chủ đề “Việt – Nhật đồng hành, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới”, Ban tổ chức của phía Nhật Bản hướng tới việc tổ chức những chương trình kỷ niệm 50 năm như sau.

1. Các chương trình không chỉ với mục đích chúc mừng mà còn để nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, đồng thời kiến tạo nền tảng góp phần thúc đẩy quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong 50 năm tiếp theo có thể phát triển vượt bậc hơn nữa hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau.

2. Các chương trình mà tất cả mọi người ở cả hai nước có thể cùng tham gia, đồng hành, chung tay sáng tạo, thêm trân trọng sự thấu hiểu giữa con người với con người vốn là nền tảng cho sự phát triển của quan hệ hai nước.

3. Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đang từng bước phát triển ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ và mọi thế hệ. Dựa trên sự phát triển đó, tổ chức các chương trình mang tính bao trùm mà tất cả mọi người có mối liên quan tới quan hệ Nhật Bản – Việt Nam có thể cùng nhau góp sức và tận hưởng niềm vui.

Chúng tôi mong muốn có thể cùng tất cả quý vị chung tay tạo nên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.

Về logo kỷ niệm 50 năm

Logo được Thủ tướng Kishida Fumio và Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại cuộc hội đàm cấp cao Nhật Bản – Việt Nam diễn ra tại Campuchia vào ngày 13 tháng 11.

Dựa trên chủ đề và ý tưởng của các chương trình kỷ niệm 50 năm, ban tổ chức đã thực hiện sáng tác logo nhằm mục đích nâng cao sự quan tâm tới kỷ niệm 50 năm và tạo cảm giác gắn kết khi hoà mình vào các chương trình thông qua việc sử dụng logo trong các sự kiện kỷ niệm, chương trình giao lưu và các phương tiện quảng bá cho “Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam”.

Cuộc thi thiết kế logo được phát động từ tháng 6 năm 2022, và đã trải qua quá trình đánh giá của Ban tổ chức và các chuyên gia, bình chọn công khai trực tuyến, cũng như xin ý kiến từ chính phủ Việt Nam. Cuộc thi đã nhận được khoảng 270 tác phẩm gửi tới dự thi, và chương trình bình chọn công khai đã nhận được 5.700 phiếu bình chọn. Xin cảm ơn sự tham gia đông đảo của quý vị.

Sau quá trình đánh giá tổng hợp, tác phẩm dưới đây đã được quyết định lựa chọn là logo kỷ niệm 50 năm.

Về kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam

<Giới thiệu tác giả logo kỷ niệm>
■ Tác giả thiết kế
AAB Vietnam Co.,Ltd.

■ Ý nghĩa nội dung của thiết kế
Trên nền màu đỏ của quốc kỳ Nhật Bản và Việt Nam là các hoạ tiết màu hồng của hoa anh đào Nhật Bản và hoa sen Việt Nam. Số 5 và số 0 đan xen vào nhau tượng trưng cho kỷ niệm 50 năm, thể hiện sự giao lưu và hình ảnh tay nắm tay cùng phát triển. Hoạ tiết đường chéo thể hiện hình ảnh cùng nhau hướng tới tương lai. Tổng thể logo được thiết kế vuông vắn để dễ dàng sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

■Website
www.aab.co.jp

Về thủ tục sử dụng logo tại Việt Nam

Để có thể cùng với thật nhiều người chào mừng kỷ niệm 50 năm, và thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu giữa hai nước, chúng tôi đã bắt đầu tiếp nhận đề nghị cấp phép sử dụng logo. Logo có thể được sử dụng nếu đáp ứng các tiêu chí dưới đây. Chi tiết về thủ tục, vui lòng tham khảo hướng dẫn đề nghị.

Thủ tục sử dụng logo này dành cho các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản. Các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam xin vui lòng liên hệ đến các Bộ ngành liên quan và chính quyền địa phương có thẩm quyền của Việt Nam.

Ngoài ra, hồ sơ đề nghị chỉ để sử dụng riêng logo ở Nhật Bản sẽ không được chấp nhận mà cần được công nhận là chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.

Rất mong nhận được hồ sơ đề nghị từ đông đảo quý vị!

  1. 1. Đối tượng được cấp phép sử dụng
    1. Đăng tải logo trên các ấn phẩm, phương tiện điện tử được coi là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giáo dục, du lịch, kinh tế, khoa học, v.v.
    2. Đăng tải logo trên các ấn phẩm và phương tiện truyền thông điện tử được đánh giá là phù hợp với mục đích nâng cao sự quan tâm của nhiều người và tạo cảm giác gắn kết khi hoà mình vào các chương trình kỷ niệm 50 năm (các sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp tư nhân cũng có thể đăng tải, tuy nhiên sẽ bị loại nếu được đánh giá là chỉ dành cho mục đích thương mại).
    3. Về nguyên tắc, logo phải được đăng tải trên các ấn phẩm, phương tiện điện tử được sử dụng tại Nhật Bản hoặc Việt Nam vào năm 2023. Việc đăng tải trên các ấn phẩm, phương tiện điện tử được sử dụng vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2024 cũng sẽ được xem xét nếu được đánh giá là phù hợp với mục đích sử dụng, nội dung của phương tiện, v.v..
    4. Các đối tượng sau đây không được cấp phép sử dụng
      • Đăng tải logo lên các ấn phẩm, phương tiện điện tử không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
      • Đăng tải logo lên các ấn phẩm, phương tiện điện tử vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật của Nhật Bản hoặc Việt Nam.
      • Đăng tải logo lên các ấn phẩm, phương tiện điện tử không phù hợp với mục đích kỷ niệm 50 năm là thúc đẩy quan hệ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam.
      • Đăng tải logo lên các ấn phẩm, phương tiện điện tử có mục đích truyền bá quan điểm chính trị, tôn giáo.
      • Ngoài ra, đăng tải logo lên các ấn phẩm, phương tiện điện tử mà Ban tổ chức xét thấy không phù hợp.
  2. 2. Hướng dẫn về thủ tục đề nghị
    1. Đối tượng có thể sử dụng bao gồm chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức văn hóa, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, v.v. (không chỉ riêng các cơ quan liên quan đến chính phủ, mà các đơn vị triển khai khác nhau cũng thuộc đối tượng có thể sử dụng). Không phân biệt quốc tịch.
    2. Trong trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị và đã được công nhận là "Chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam” thì có thể sử dụng logo trên các phương tiện truyền thông của chương trình được công nhận, vì vậy không cần thiết phải nộp lại hồ sơ đề nghị cấp phép sử dụng logo.
    3. Trong trường hợp có nguyện vọng sử dụng logo, về nguyên tắc, vui lòng nộp hồ sơ đề nghị chậm nhất 1 tháng trước khi bắt đầu sử dụng. Vui lòng điền thông tin vào các mục cần thiết và nộp đơn đề nghị ở mục a. dưới đây. Tải lên các giấy tờ quy định ở mục b. vào mục tương ứng trong đơn đề nghị. Hồ sơ đề nghị điền bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Việt.

      [Hồ sơ đề nghị]

      • Đơn đề nghị: https://form.jotform.com/222972136894466
      • Tài liệu giới thiệu khái quát về đơn vị đề nghị

        b.1. Danh sách lãnh đạo đơn vị

        b.2. Điều lệ hoặc các tài liệu tương đương (như quy định, quy tắc hội, hoạt động ủng hộ quyên góp, v.v.)

        b.3. Lịch sử phát triển, thành tích đã đạt được, nội dung hoạt động, v.v. của đơn vị tổ chức

        b.4. Trường hợp đơn vị sử dụng và đơn vị nộp hồ sơ là hai đơn vị khác nhau, cần có tài liệu cho thấy quan hệ giữa hai bên (ví dụ: bản hợp đồng, v.v.)

      ※ Nếu đơn vị tổ chức chương trình không có lãnh đạo, điều lệ hoạt động, vui lòng ghi rõ trong tài liệu ở mục b.3.

      ※ Cơ quan chính phủ, đoàn ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, tổ chức công của địa phương, cơ quan hành chính trực thuộc Bộ Ngoại giao không cần nộp các giấy tờ b.1, b.2, b.3 ở mục b.

      (Tham khảo) Trường hợp sử dụng tại Nhật Bản
      Hồ sơ đề nghị chỉ để sử dụng riêng logo ở Nhật Bản sẽ không được chấp nhận mà cần được công nhận là chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam. Vui lòng tham khảo hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị công nhận chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam dưới đây.
      https://www.mofa.go.jp/mofaj/s_sa/sea1/vn/-page23_003902.html

    4. Kết quả thẩm định sẽ được thông báo khoảng 1 tháng sau khi nhận được hồ sơ.

Giới thiệu Ban tổ chức của phía Nhật Bản

Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam của phía Nhật Bản

Trưởng ban
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam YAMADA Takio
Phó trưởng ban
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) kiêm Trưởng ban của Ủy ban đặc biệt kỷ niệm 50 năm JCCI KINOSHITA Tadahiro
Phó trưởng ban
Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam WATANABE Shige
Ủy viên
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM ONO Masuo
Ủy viên
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng YAKABE Yoshinori
Ủy viên
Tổng giám đốc Công ty SUMITOMO Shoji Việt Nam FUJIKAWA Eita
Công ty của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản KEIDANREN)
Ủy viên
Phó Trưởng Chi nhánh Hà Nội, Công ty Sojitz Việt Nam SUEMITSU Nobuhiro
(Công ty của Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản KEIDANREN)
Ủy viên
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) MIZUSHIMA Kozo
Ủy viên
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng (JCCID) HIRAYAMA Keiji
Ủy viên
Phó Chủ tịch JCCI, Ủy viên của Ủy ban đặc biệt kỷ niệm 50 năm JCCI WAKABAYASHI Koichi
Ủy viên
Trưởng ban lao động JCCI, Ủy viên của Ủy ban đặc biệt kỷ niệm 50 năm JCCI OKAMOTO Shigeyuki
Ủy viên
Ủy viên của Ủy ban đặc biệt kỷ niệm 50 năm JCCI NAGAOKA Taketoshi
Ủy viên
Trưởng ban lao động JCCI OKAMOTO Shigeyuki
Ủy viên
Phó Chủ tịch JCCH kiêm Phó chủ tịch JCCID ONOSE Takahisa
Ủy viên
Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban cua Ủy ban đặc biệt kỷ niệm 50 năm JCCH FURUSAWA Yasuyuki
Ủy viên
Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam SUGANO Yuichi
Ủy viên
Trưởng Đại diện JBIC tại Hà Nội AGUIN Tooru
Ủy viên
Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản DOI Katsuma
Ủy viên
Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) tại Việt Nam OSAWA Noriko
Ủy viên
Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Hà Nội YOSHIDA Kenji
Ủy viên
Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội NAKAJIMA Takeo
Ủy viên
Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh MATSUMOTO Nobuyuki
Giám sát tài chính
Tổng giám đốc phụ trách Việt Nam, kiêm trưởng đại diện chi nhánh Hà Nội, ngân hàng SMBC SHIGEI Kentaro
Giám sát tài chính
Giám đốc KPMG (Kế toán viên công chứng được cấp phép) TANINAKA Yasuhisa

Ban quản lý ngân sách kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam

Trưởng ban
Tổng giám đốc phụ trách Việt Nam kiêm trưởng đại diện chi nhánh Hà Nội, ngân hàng MIZUHO, KATAYAMA Eiji
Ủy viên
Tổng giám đốc phụ trách Việt Nam kiêm trưởng đại diện chi nhánh Hà Nội, ngân hàng MUFG KOJIMA Masao
Ủy viên
Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam YOSHIDA Susumu

Trưởng ban hỗ trợ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam

Trưởng ban
Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn SUMITOMO HYODO Masayuki
Phó trưởng ban
Chủ tịch Tập đoàn Sojitz FUJIMOTO Masayoshi
Giám sát tài chính
Cố vấn cấp cao Resonac Holdings Corporation ICHIKAWA Hideo

Các hoạt động gần đây