Tạo dựng môi trường nơi trẻ em Việt – Nhật cùng nâng cao tinh thần thể thao
グエン・ティ・ビック・ハー さん
CEO Công ty 3A THUMBS UP VIETNAM

Ikeyama Ryota

Lần đầu tiên du lịch sang Việt Nam, Ikeyama Ryota có dịp chơi bóng đá cùng người dân địa phương và rất bất ngờ trước sự cuồng nhiệt của mọi người với môn thể thao này. Từ năm 2014, anh bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên bóng đá tại Tp. Hồ Chí Minh. Hiện nay, bên cạnh việc vận hành câu lạc bộ thể thao dành cho trẻ em Nhật Bản, anh còn tham gia hoạt động tình nguyện dạy bóng đá cho trẻ em tại các mái ấm.

Mong ước trở thành huấn luyện viên bóng đá

Vào khoảng năm 2010, chàng sinh viên Ikeyama lần đầu đến thành phố Hồ Chí Minh, tự đặt ra cho mình mục tiêu “chơi bóng đá cùng người dân địa phương”. Anh lấy cảm hứng từ chuyến du lịch vòng quanh thế giới sau khi giải nghệ để chơi bóng cùng người dân trên khắp nẻo đường của cựu cầu thủ bóng đá nổi tiếng Nhật Bản Nakata Hidetoshi.
“Lúc bấy giờ điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn, tôi chỉ có mỗi chiếc xe máy chạy vòng quanh và cảm thấy rất thích thú với không khí náo nhiệt của các khu chợ, hàng quán bên đường. Khi đi ngang qua trường đua ngựa Phú Thọ ở quận 10, tôi vô tình thấy một nhóm bạn đang chơi bóng đá.”
Không biết một chữ tiếng Việt nào nhưng bằng ngôn ngữ cơ thể, anh đến xin mọi người được chơi cùng.
“Có vẻ mọi người nhìn tôi và nói ‘Ồ, có người nước ngoài đến chơi đá banh kìa! Cũng giỏi đấy’ và cho tôi tham gia cùng. Thế là chúng tôi mải mê chơi đến tận 6 giờ chiều trong khi những chú ngựa tại trường đua vẫn dạo quanh chúng tôi. Cứ thế đều đặn mỗi ngày tôi đều ra đây chơi cho đến ngày quay lại Nhật. Khi ấy tôi nghĩ bóng đá thật tuyệt vời, nó có thể gắn kết con người với nhau bất kể rào cản ngôn ngữ.”
Sau khi về nước, anh không có nhiều cơ hội làm việc liên quan đến Việt Nam. Vừa đi làm, anh vừa tham gia huấn luyện đội bóng. Trong thời gian đó, một người bạn huấn luyên viên của anh bị mắc bệnh máu trắng. Hơn nữa, một người anh thân thiết của anh trong câu lạc bộ bóng đá thời trung học cũng ra đi đột ngột khi tuổi đời chỉ mới 31.
“Tôi nhận ra cuộc đời quá ngắn ngủi. Không ai biết liệu ngày mai mình còn sống hay chết. Vì vậy mình không thể lãng phí thời gian để bắt đầu làm việc mình yêu thích. Điều tôi thực sự muốn làm khi đó là trở thành huấn luyện viên bóng đá.”
Sau đó, vào năm 2014, anh Ikeyama nhận được công việc huấn luyện viên cho một trường bóng đá Nhật Bản tại Việt Nam. Sau hai năm, anh nghỉ việc và thành lập công ty 3A Thumbs Up để vận hành trường đào tạo bóng đá và nhảy cổ động cheering cho trẻ em Nhật Bản. 
“Khi tôi mới sang Việt Nam, trẻ em Nhật Bản tại đây không có nhiều lựa chọn cho các môn năng khiếu. Vì vậy, để các em có thể tận hưởng thời gian vui vẻ, thay vì đặt nặng kĩ thuật bóng đá, tôi chỉ xem như đây là một bộ môn để các em vận động cơ thể, rèn luyện thể thao.”

 

Hoạt động thiện nguyện tại các cơ sở bảo trợ trẻ em
Xây dựng niềm tin đối với trẻ 

Ban đầu, lý do Ikeyama muốn đi nước ngoài là vì anh mong muốn được dạy bóng đá cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn. Khi nghe ở Tp. Hồ Chí Minh có một số huấn luyện viên người Việt đang dạy bóng đá tại các cơ sở bảo trợ trẻ em, anh đã liên hệ và cùng tham gia chơi bóng đá với các em.
Sau một thời gian, anh liên hệ lại các huấn luyện viên thì được biết hiện nay hoạt động dạy bóng đá đã tạm dừng do thiếu kinh phí. Khi đó, trong đầu anh hiện lên hình ảnh những đứa trẻ thích thú, vui đùa cùng anh bên trái bóng.
“’Mình phải khởi động lại công việc này, phải tạo điều kiện cho những em yêu thích bóng đá được chơi bóng’ - Nghĩ vậy, tôi đã nhờ các huấn luyện viên tập hợp các em lại.” – Anh chia sẻ.
Từ năm 2018 đến nay, mỗi tháng Ikeyama đều đến thăm trung tâm bảo trợ 1-2 lần và chơi bóng đá cùng các em trong khoảng hai giờ đồng hồ. Trong thời gian dịch Covid-19, không thể đến chơi cùng các em nhưng anh vẫn gửi tặng nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, gạo cùng một số nhu yếu phẩm cho trung tâm.
“Các em ở độ tuổi từ 3-15. Ban đầu, vì không biết hoàn cảnh của từng em ra sao nên tôi rất bối rối, không biết nên tiếp cận các em như thế nào. Thế nhưng khi cùng các em chơi bóng, tôi không cần suy nghĩ nhiều về điều đó và có thể tận hưởng thời gian vui vẻ cùng các em. Qua đó chúng tôi dần dần giao tiếp được với nhau.”
Điều vui nhất là anh được nghe các cô ở trung tâm kể, lần nào cũng vậy, khi biết ngày mai được chơi bóng cùng Ikeyama là các em nóng lòng chờ đợi, chơi xong các em vẫn luôn miệng kể về buổi tập vui vẻ mãi đến tận hôm sau.
“Tôi nghĩ khi có khách đến thăm trung tâm, các em hẳn sẽ nghĩ ‘chắc cô chú chỉ đến thăm và “ngắm” mình một lần thôi’. Vì vậy, để các em tin tưởng và mở lòng với mình, tôi luôn dặn lòng phải duy trì hoạt động này thường xuyên. Khi các em biết nói cảm ơn tôi bằng tiếng Nhật, tôi vô cùng hạnh phúc. Thật đúng đắn khi tôi quyết định làm công việc này.”

 

Phát huy sức mạnh thể thao
Mang đến sân chơi cho trẻ em Việt – Nhật cùng phát triển

Trong một dịp mời các em trong đội bóng Nhật Bản sang Việt Nam giao lưu, anh Ikeyama đã nhận thấy sự trưởng thành của trẻ em hai nước.
“Trẻ em Việt Nam rất ngưỡng mộ các bạn Nhật, đồng thời cũng muốn chiến thắng các bạn. Về mặt kĩ thuật các em còn một số hạn chế nhưng các em lại lợi thế trong việc tiếp xúc cơ thể, điều mà trẻ em Nhật không có. Một điều thú vị khác là ở buổi tiệc giao lưu sau đó, khi thấy các bạn Nhật ngại ngùng, các em mang nước trái cây đến mời và hô vang “Một hai ba dô!” rất vui vẻ (Cười)”
Dần dần, các em người Nhật cởi bỏ được sự e dè để hòa cùng những người bạn Việt Nam cởi mở, thân thiện. Các em còn chủ động rủ bạn chụp hình và giao tiếp với bạn, dù chỉ bằng những từ ngữ vụn vặt.
“Đặc biệt, các em người Nhật đã trưởng thành và tự tin hơn sau khi về nước. Một số người cho rằng khi nói đến bóng đá phải nghĩ ngay đến Châu Âu, tôi lại cho rằng cho các em biết thêm về một đất nước Việt Nam như thế này cũng rất bổ ích. Đối với trẻ em Việt Nam, các em được tiếp thêm nguồn cảm hứng. Qua đó các em có thể giao tiếp vượt qua rào cản ngôn ngữ. Đó chính là sức mạnh to lớn, điều kì diệu mà chỉ có thể thao mới mang lại được.”

 

Anh bắt đầu chơi bóng đá từ khi còn trong trường mầm non, sau thời gian làm việc tại đại lý quảng cáo tại Nhật, anh chuyển hướng sang làm huấn luyện viên bóng đá tại Việt Nam từ năm 2014. Năm 2016, anh nghỉ việc và thành lập Công ty 3A THUMBS UP VIETNAM để vận hành trường đào tạo bóng đá và nhảy cổ động cheering cho trẻ em Nhật Bản. Đồng thời, anh còn tham gia hoạt động tình nguyện dạy đá bóng cho trẻ em tại các mái ấm.

 

Thực hiện bài viết: Sugita Noriaki (Grafica Co.,Ltd.)
Biên dịch tiếng ViệtLưu Bích Dung
Biên tậpSketch Co., Ltd.