Nữ tiến sĩ mong muốn gây dựng văn hóa ẩm thực cá nóc nhằm phát triển ngành thủy sản Việt Nam
グエン・ティ・ビック・ハー さん
Đầu bếp chế biến cá nóc – Tiến sĩ Khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng

Vũ Thùy Linh

Được biết đến với cái tên “Tiến sĩ cá nóc” tại Việt Nam, chị Vũ Thùy Linh hướng tới thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực hải sản thông qua nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá nóc trên đất nước mình, nơi mà việc đánh bắt và ăn cá nóc đều bị cấm về mặt luật pháp. Cuộc sống gắn bó với ngành cá nóc, chị Linh mong muốn đưa nền văn hóa ẩm thực cá nóc bén rễ tại Việt Nam

Mối duyên định mệnh
với cá nóc tại Nhật Bản 

Từng là sinh viên khoa tiếng Nhật tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sau khi tốt nghiệp chị Linh vào làm tại công ty Mitsui Suisan, cho đến khi ấy chị vẫn hoàn toàn không biết gì về cá nóc. Đây là sản phẩm chính của công ty, chị Linh tham gia tất cả công đoạn liên quan đến cá nóc từ sơ chế cho đến chế biến cá nóc thành phẩm. Càng làm việc, chị càng nhận thấy sự thú vị của loài cá này. Chị Linh quyết định nghỉ việc để theo học về cá nóc tại Đại học Jumonji.

 “Hầu hết những người làm việc trong ngành cá nóc là đàn ông, điều này khiến một phụ nữ như tôi gặp bất lợi đáng kể. Rồi cũng có các khó khăn trong việc học kiến thức về cá nóc và thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Nhật. Vì vậy, đôi lúc mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Nhưng mặt khác, khi nhìn thấy nỗ lực của tôi, nhiều người Nhật đã tận tình giúp giúp đỡ, trong đó có giám đốc công ty Mitsui Suisan là bác Itou Yoshinari và giáo sư Shigeru Yamamoto của Đại học Jumonji.”

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về cá nóc, chị Linh quay trở lại làm việc tại Mitsui Suisan. Chị áp dụng kiến thức chuyên môn đã học được vào lĩnh vực thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu thực phẩm giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời mở rộng thị trường cho các sản phẩm chất lượng của cả hai nước.

“Tại Nhật Bản, tôi đã tìm thấy ước mơ của mình và hiểu mình muốn sống cuộc đời như thế nào. Tôi học được rất nhiều điều về cách làm việc cùng thái độ luôn cố gắng để đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. Sự tin tưởng và đánh giá cao từ cấp trên, đối tác hay khách hàng luôn là món quà quý giá mà tôi sẽ mãi trân trọng.”

 

 

Khai phá tiềm năng về sản phẩm
cá nóc tại Việt Nam

Mặc dù quyết tâm xây dựng sự nghiệp tập trung vào cá nóc, nhưng chị Linh vẫn mơ hồ về đích đến. Tuy nhiên, sau khi tiến hành nghiên cứu về cá nóc ở các vùng ven biển của Việt Nam, chị đã nhìn thấy một con đường cụ thể phía trước.

“Việt Nam là quốc gia có tiềm năng cao về cá nóc, nhưng do có những lo ngại về độc tính của nó nên việc nuôi trồng đang bị cấm. Tôi vô cùng trăn trở đối với thực trạng ngư dân không thể tận dụng nguồn cá nóc dồi dào để cải thiện sinh kế của mình. Tôi muốn góp phần giảm bớt sự khó khăn trong đời sống của ngư dân bằng cách khai thác tiềm năng sản phẩm cá nóc tại Việt Nam.”

Chị Linh cho rằng cần thay đổi nhận thức về cá nóc ở Việt Nam để mọi người biết được rằng có những loài cá nóc an toàn, hương vị rất ngon và mang lại giá trị kinh tế.

“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Nhật Bản hợp tác thu mua cá nóc tự nhiên để làm chế phẩm sinh học, chuyển giao công nghệ chế biến cá nóc của Nhật Bản cho Việt Nam... Ngoài ra, tôi cũng liên kết với Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam tiến hành nghiên cứu các loại cá nóc an toàn để nuôi trồng tại Việt Nam.”

 

Những kết quả lạc quan
sau chặng đường dài nỗ lực

Những nỗ lực của chị Linh đang dần đơm hoa kết trái. Khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Nhật Bản vào cuối tháng 11 năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã gặp gỡ công ty Mitsui Suisan và lên kế hoạch khai thác tiềm năng cá nóc tại Việt Nam. Ngoài ra, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản mang tên “Thỏa thuận hợp tác khoa học trong nghiên cứu cá nóc tại Việt Nam” đã giúp chị Linh gặp gỡ được nhiều đối tác tốt. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng sẽ tham gia với vai trò thúc đẩy nghiên cứu cá nóc trong tương lai.

“Bên cạnh các dự án về cá nóc, tôi đang xây dựng “Câu lạc bộ yêu thích ẩm thực Nhật” cùng với một số người Việt Nam và Nhật Bản khác nhằm mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những thông tin chính xác về ẩm thực Nhật Bản. Đồng thời, tôi mong muốn hỗ trợ các bạn du học sinh người Việt Nam tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc tại Nhật Bản. Tôi hi vọng rằng họ cũng sẽ tìm thấy ước mơ của cuộc đời mình trên đất nước này giống như tôi.”

 Tốt nghiệp khoa Tiếng Nhật của Đại học Quốc gia Hà Nội, chị Linh biết đến cá nóc khi vào làm việc tại công ty Mitsui Suisan
 (tỉnh Miyazaki). Sau khi nghỉ việc, chị nghiên cứu về cá nóc trong chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại Đại học Jumonji và lấy bằng
 tiến sĩ Khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng của trường. Chị được cấp bằng đầu bếp chuyên nghiệp và bằng đầu bếp chế biến cá
 nóc tại Nhật Bản.
 Hiện tại, chị đã quay trở lại làm việc cho công ty Mitsui Suisan và tiếp tục nghiên cứu ở Viện Dinh dưỡng và Văn hóa Ẩm thực
 châu Á của Đại học Jumonji.

 

Thực hiện bài viết/Sketch Co., Ltd.